26 C
Hanoi
Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Các món ăn giảm viêm mũi dị ứng khi giao mùa

- Advertisement -
- Advertisement -

Các món ăn từ cá chứa omega-3, dứa nhiều vitamin C, gừng, tỏi, hành tây giúp giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng, bệnh hô hấp khi giao mùa.

1. Mực xào hành, cần, tỏi tây

Hành tây chứa một chất hóa học quercetin giúp ngăn chặn giải phóng histamin – đây là thành phần chính của nhiều loại thuốc dị ứng viêm mũi mùa nồm ẩm xuân hè.

Các món ăn giảm viêm mũi dị ứng khi giao mùa

Có nhiều món ăn đơn giản nhanh gọn từ hành tây như: Mực xào hành, cần, tỏi tây chỉ trong 15 phút. Mực sau khi sơ chế sạch trụng sơ, vớt ra ngâm nước đá cho giòn và khi xào không bị ra nước. Phi thơm tỏi cho mực vào xào nhanh tay trên lửa lớn, trút ra để riêng. Sau đó tiếp tục phi thơm tỏi cho hành tây cùng các nguyên liệu khác xào chín tới thì trút mực vào đảo cùng. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng, múc ra rắc chút hạt tiêu thưởng thức nóng.

2. Rau muống, rau bí, rau khoai xào tỏi

Tỏi giàu chất oxy hóa, có tính kháng khuẩn, làm dịu chứng viêm và ức chế giải phóng histamin. Vì thế giảm các triệu chứng khó chịu của viêm mũi dị ứng.

- Advertisement -

Các món ăn giảm viêm mũi dị ứng khi giao mùa

Nhiều món ngon từ tỏi như rau bí, bông hoa bí, rau muống, rau khoai lang xào tỏi. Nên chia làm 2 phần tỏi (một phần băm nhỏ để phi thơm tạo mùi, phần còn lại đập dập cho vào khi món ăn gần nấu xong để hạn chế sự phá hủy chất allicin trong tỏi.

3. Bò kho gừng

Gừng chứa thành phần gingerol giúp làm khô chất nhầy và giảm tình trạng nghẹt mũi. Vào mùa xuân hè nồm ẩm, các món ăn từ gừng được ưu tiên như: Bò kho gừng, gà rang gừng, canh gà lá gừng…

Các món ăn giảm viêm mũi dị ứng khi giao mùa

Để làm món bò kho gừng thì nên chọn phần dẻ sườn để khi kho không bị khô. Cắt bò thành miếng quân cờ rồi ướp chút gia vị mắm, muối, đường, hạt nêm, hạt tiêu cùng gừng tỏi đập dập, dầu màu điều tối thiểu 1 giờ cho thấm vị. Sau đó, phi thơm gừng tỏi còn lại, trút thịt bò vào xào săn, thêm lượng nước xâm xấp và kho cho tới khi thịt bò mềm, nước sánh lại, lên màu hổ phách đẹp mắt là được. Món này ăn cùng rau luộc, cơm trắng rất hợp trong tiết trời nồm ẩm.

4. Canh ngao nấu dứa

- Advertisement -

Dứa đang dần vào mùa rẻ và ngọt thơm. Một bát canh thanh mát với thịt ngao mềm, đan xen vị ngọt thanh từ dứa vừa kích thích vị giác, vừa giúp chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả.

Các món ăn giảm viêm mũi dị ứng khi giao mùa

Theo các nghiên cứu, chất chống viêm bromelain trong dứa giúp giảm sưng ở phần màng nhầy trong xoang mũi. Hơn nữa, vitamin C trong dứa điều chỉnh lượng histamine, giảm dị ứng theo mùa. Để làm canh ngao nấu dứa thì cần ngâm và sơ chế sạch rồi luộc ngao, lọc lấy nước dùng, tách bỏ vỏ lấy thịt ngao rửa sạch. Dứa gọt bỏ vỏ, thái miếng vừa ăn. Cà chua bổ múi cau. Phi thơm hành rồi trút cà chua, dứa, sấu vào xào sơ. Đổ nước luộc ngao, đun sôi hớt bỏ bọt. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Cuối cùng thêm thịt ngao vào đun sôi, rắc thêm chút hành lá, rau răm và múc ra ăn nóng.

5. Cá thu sốt cà chua

Các loại cá thu, cá hồi, cá ngừ chứa nhiều axit béo omega-3, giúp chống lại triệu chứng dị ứng như viêm mũi, ho và thở khò khè. Món ăn quốc dân cá thu sốt cà chua với thịt cá chắc đậm vị, sốt cà chua sánh mịn dễ chiều lòng nhiều người trong tiết trời giao mùa.

Các món ăn giảm viêm mũi dị ứng khi giao mùa

Cá thu cắt khúc vừa ăn ngâm rửa bằng nước muối loãng hoặc nước chè xanh, nước trà khử tanh, thấm khô. Cà chua băm nhỏ. Hành lá rửa sạch thái khúc. Gừng thái chỉ, hành khô thái lát, ớt thái lát. Đun nóng dầu ăn, cho cá thu vào rán vàng đều hai mặt rồi vớt ra để riêng. Phi thơm chảo khác với hành khô, cho cà chua vào, thêm chút mắm muối, tương cà cho nhanh mềm. Khi sốt mềm nhuyễn trút cá thu vào om ở lửa nhỏ. Thêm gừng thái sợi, ớt và nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Cuối cùng cho hành, thì là vào đảo đều là được. Món này ăn nóng cùng rau sống, cơm trắng rất hợp vị.

Bùi Thủy

Theo  VnExpress

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

Leave a Reply

KẾT NỐI

36,378Thành viênThích
1,160Người theo dõiTheo dõi
28Người theo dõiTheo dõi
- Advertisement -

MỚI NHẤT

XEM NHIỀU

XU HƯỚNG