27 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng chín 16, 2024

Hành trình ẩm thực dọc các tỉnh phía Nam

- Advertisement -
- Advertisement -

Nếu các món ăn Bắc có phần cầu kỳ, tinh tế, miền Trung lại nức tiếng với những đặc sản giản dị, chân chất thì miền Nam là các món đậm đà, nhiều màu sắc, hương vị.

Sự khác biệt về điều kiện tự nhiên cũng như văn hóa, nếp sống của mỗi vùng miền là một trong những yếu tố đã góp phần tạo nên một kho tàng ẩm thực phong phú và đa dạng. Nếu các món ăn ngoài Bắc có phần cầu kỳ, tinh tế thì mảnh đất miền Trung nắng gió lại nức tiếng với những món đặc sản có phần giản dị, chân chất thì miền Nam là các món đậm đà, nhiều màu sắc, hương vị.

Điều – Bình Phước

Hành trình ẩm thực dọc các tỉnh phía Nam

Bình Phước có vô số vườn điều sai trĩu quả. Ảnh: TTNN

Bình Phước là mảnh đất được biết đến với những vườn điều trĩu quả. Có lẽ chính vì thế mà trái điều xuất hiện trong rất nhiều các món ăn của người dân nơi đây, từ thứ quà vặt của đám trẻ con với những trái điều chín vàng mọng nước đem chấm muối ớt đến bánh điều vàng ươm giòn rụm thường được du khách mua về làm quà. Hấp dẫn hơn nữa còn là món gỏi điều với vị bùi bùi, ngậy ngậy quyện chung với vị ngọt của tôm, thịt.

Lẩu bò nhúng mắm ruốc – Bình Dương

- Advertisement -

Lẩu bò nhúng mắm ruốc là một trong những món ăn đặc trưng và thơm ngon của Bình Dương. Điểm đặc biệt nhất của món ăn này chắc chắn chính là mắm ruốc và phần nước lèo để nhúng bò. Nước dùng của món lẩu đặc biệt này gồm rất nhiều các nguyên liệu như mắm ruốc, tóp mỡ, sả, ớt, thịt ba rọi luộc sơ, hành tây… Món ăn đậm đà, thơm mùi mắm, cuốn với bánh tráng ăn ngon miệng mà ko bị nóng, có thể chiều lòng được kể cả những vị khách khó tính nhất.

Dế cơm chiên nước mắm – Đồng Nai

Dế cơm chiên nước mắm chắc chắn là món đặc sản dân dã ở Đồng Nai làm bạn nhớ mãi. Dế cơm được bắt dưới hang, đem về bỏ hết cánh, phần ruột rồi nhét đậu phộng vào trong, đem ướp nước mắm cho ngấm rồi thả vào chảo dầu sôi, chiên cho vàng. Dế cơm chiên nước mắm ăn đậm vị nước mắm, lại có vị ngậy của dế, của đậu phộng rất hấp dẫn.

Thằn lằn núi chiên giòn – Tây Ninh

Hành trình ẩm thực dọc các tỉnh phía Nam

Nhiều người đã bình chọn “đệ nhất ẩm thực” ở Tây Ninh chính là món thằn lằn núi Bà Đen. Thằn lằn núi có đặc điểm chỉ ăn sung chín, chuối và lá cây rừng nên thịt rất dai thịt, đậm vị. Thằn lằn núi chiên giòn ăn cùng với các loại rau sống, cà chua, dưa leo… và mắm me. Món ăn này không chỉ thơm ngon mà có rất bổ bởi lẽ thằn lằn núi thường hay ăn các loại lá thuốc Nam trên núi nên rất bổ dưỡng.

Gỏi cá mai Bà Rịa – Vũng Tàu

- Advertisement -

Nếu có dịp đến với Vũng Tàu mà bạn không thử gỏi cá mai thì chắc chắn sẽ là thiếu sót vô cùng lớn. Cá mai nhìn giống như cá cơm, dài khoảng một ngón tay có màu trắng trong. Cá mai sẽ được sơ chế sạch sẽ, rút xương rồi đem ướp giấm, chanh, tỏi ớt cho ngấu, sau cùng đem trộn với thính cho dậy mùi. Thứ quyết định món gỏi này có ngon hay không nằm ở bát nước chấm. Nước chấm sẽ làm từ chính xương cá nấu lên. Khi ăn ăn chung cùng chuối xanh, khế, dưa leo… rất thanh mát và ngon.

Cơm tấm – Sài Gòn

Sài Gòn có rất nhiều món ăn ngon, nhưng hãy thử tạm chọn cơm tấm là món ăn tiêu biểu và phổ biến. Ngày nay cơm tấm đã xuất hiện ở rất nhiều tỉnh thành nhưng có lẽ cơm tấm “đúng chất” nhất vẫn phải ăn ở Sài Gòn. Cơm được nấu từ gạo tấm, là loại gạo bị vỡ, nứt không nguyên hạt như gạo nấu cơm chúng ta vẫn ăn hàng ngày. Cơm tấm ngày nay có thể ăn với gà quay, sườn, bì chả… và đặc biệt không thể thiếu dưa góp, nước canh và chén nước mắm chua ngọt đi kèm.

Cháo cá lóc rau đắng – Tiền Giang

Hành trình ẩm thực dọc các tỉnh phía Nam

Cháo cá lóc rau đắng ăn vừa vị, có tác dụng giải nhiệt tốt.

Theo các vị cao niên của miệt Mỹ Tho, món ăn có lịch sử lâu đời nhất nhì Tiền Giang phải kể đến cháo cá lóc. Cháo cá lóc tuy chẳng phải món ăn cao sang gì nhưng lại được du khách đến Tiền Giang “săn đón” hơn cả. Cá lóc nấu cháo phải là cá lóc đồng thì mới chắc và ngọt thịt. Gạo nấu cháo chắc chắn phải là loại gạo dẻo thơm. Đặc biệt gạo không vo và đem nấu như thông thường mà phải được đem rang trên chảo đến khi hạt gạo vàng đều và dậy mùi thơm. Người đầu bếp còn cầu kỳ chọn từ loại nước để nấu cháo, phải là nước không bị lẫn mùi clo. Bát cháo cá lóc sẽ vẫn chưa được coi là hoàn hảo nếu nhỡ quên mất nắm rau đắng. Vị ngọt, béo của bát cháo cá lóc được vị đắng của thứ rau này trung hòa và khiến cho người ăn cứ xuýt xoa mãi.

Lẩu mắm – Long An

Nồi lẩu mắm bốc khói nghi ngút dường như là món ăn bao trọn cả hương vị của biển cả, ao hồ, ruộng đồng nơi đây. Nước lèo ngọt thanh do được chế biến từ xương thịt, nên đậm đà nhưng lại không hề bị ngán như những loại lẩu khác. Đặc biệt, các loại rau ăn kèm lẩu mắm Long An rất phong phú. Dường như bất cứ loại rau nào của miền sông nước này cũng đều có thể xuất hiện trên bàn ăn bên nồi lẩu tỏa mùi thơm quyến rũ. Từ bông điên điển, rau muống, rau đắng… tất cả hòa quyện hoàn hảo với nhau để đem lại một nồi lẩu mà chắc chắn có dịp thưởng thức sẽ khó lòng mà quên được.

Bông súng chấm mắm kho – Đồng Tháp

Món ăn tuy có phần giản dị nhưng lại có hương vị rất thơm ngon mà không phải nơi đâu cũng có được. Tưởng như món ăn đơn giản là vậy, nhưng để chế biến được ngon cũng khá kì công. Bông súng phải chọn loại súng trắng, cọng nhỏ thì khi ăn mới mềm và ngọt. Mắm kho có màu đỏ thẫm thơm nức mũi, quyện với mùi thơm của sả, lại cay nồng của ớt nhưng đậm đà nhờ tép đồng. Bông súng ngắt thành từng đoạn rồi bóp nhẹ cho thấm với mắm kho, ăn không hề ngán mà ngược lại rất đưa cơm.

Xôi chiên phồng – An Giang

Hành trình ẩm thực dọc các tỉnh phía Nam

Một món xôi mới chỉ nhìn đã thấy muốn ăn.

Nếu Hà Nội có xôi cốm, Hà Giang có xôi ngũ sắc hay Nam Định có xôi cá rô thì An Giang lại sở hữu một món xôi vô cùng đặc biệt: xôi phồng. Xôi phồng được nấu từ loại nếp đặc biệt. Nếp trồng xen kẽ với đậu trên đất rẫy, hạt tròn bóng mượt. Xôi được chiên cho phồng to tròn như trái bóng vậy, ăn kèm với gà quay và chấm với tương ớt hoặc xì dầu.

Dừa – Bến Tre

Nhắc đến Bến Tre người ta nghĩ ngay đến dừa. Mảnh đất với những hàng dừa rợp lối đi và nức tiếng với những món ăn béo ngậy từ chính trái dừa. Đến Bến Tre bạn chắc chắn không nên bỏ qua cơm dừa. Chế biến cơm dừa rất kỳ công bởi dừa dùng nấu cơm phải là loại dừa xiêm, đem cắt ngang một phần để trút nước ra và dùng miếng cắt đó làm nắp đậy “nồi cơm”. Gạo để cho ráo rồi trút vào trái dừa cùng với nước dừa tươi đem đi trưng cách thủy. Cơm dừa được ăn kèm với khá nhiều thứ, song đúng điệu nhất phải kể đến tôm rang nước dừa. Cơm dừa khi mở nắp ra thơm nức mũi hương thơm của dừa, của gạo, ăn kèm tôm rang dai dai, giòn giòn thơm ngon không thể tả nổi.

Nếu các món ăn ngoài Bắc có phần cầu kỳ, tinh tế như chính con người nơi đây thì mảnh đất miền Trung nắng gió lại nức tiếng với những đặc sản giản dị, chân chất.

Bánh cống – Cần Thơ

Hành trình ẩm thực dọc các tỉnh phía Nam

Bánh cống giờ nhiều nơi ở miền Nam có, nhưng mọi người đến Cần Thơ vẫn tìm ăn món này. Ảnh: Đoàn Xuân

Bánh cống ngày nay có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây nhưng có thể nói bánh cống Cần Thơ đặc biệt và nổi tiếng nhất. Bánh cống tuy chỉ là món ăn chơi nhưng không phải vì thế mà có thể mà chế biến xuề xòa, qua loa. Món bánh có cái tên có phần khó hiểu này được làm từ bột gạo pha loãng, nhân bánh gồm có đậu xanh trộn cùng với thịt băm nhuyễn. Người chế biến bánh cống đổ bột vào khuôn được gọi là “cống”, rồi cầm quai nhanh tay thả vào trong chảo dầu đang sôi cho đến khi bánh ngả vàng thì cho vài con tép tươi hoặc tôm lên mặt bánh.  Bánh cống ngon hay không còn nhờ cả vào nước mắm sền sệt gồm mắm cá cơm, củ cải, gừng ớt… Bánh cống ăn kèm các loại rau như cải bẹ xanh, rau đắng, húng…

Cá tai tượng – Vĩnh Long

Món ăn đầu bảng mà khách du lịch được giới thiệu khi đến Vĩnh Long là cá tai tượng chiên xù. Cá tai tượng được chiên trong chảo dầu sôi vớt ra cho ráo dầu. Khi ăn, bạn gỡ từng miếng thịt đặt vào lát bánh tráng, thêm rau thơm, rau sống, bún, cuốn lại và chấm với nước chấm chua ngọt, khó để cưỡng lại. Cá tai tượng có phần thịt dai, thơm và béo ngậy kết hợp với vị thanh mát của các loại rau, bún ăn kèm hoàn toàn không hề ngán.

Cá thác lác – Hậu Giang

Hành trình ẩm thực dọc các tỉnh phía Nam

Chả cá thác lác chế biến được nhiều món.

Ẩm thực Hậu Giang nức tiếng nhất là các món chế biến từ cá thác lác, có thể kể đến chả thác lác, chả giò thác lác, đến thác lác hấp bầu, canh thác lác… món nào cũng thơm ngon, hấp dẫn. Nhưng nếu bạn là du khách đến đây tham quan thì món thác lác đầu tiên bạn nên thử là thác lác cườm chiên. Cá sẽ được làm sạch đem khứa nhẹ rồi ướp chung với các gia vị như ớt, sả… rồi đem chiên giòn. Khi cá đã chuyển sang màu vàng ươm là chín. Món cá thác lác chiên thơm mùi sả, ớt lại đậm vị ngọt của thịt cá vô cùng khó cưỡng.

Chù ụ rang me – Trà Vinh

Về Trà Vinh bạn phải tranh thủ cơ hội để thưởng thức món chù ụ rang me. Chù ụ là sinh vật chỉ sống ở những khu bãi bồi, nơi sông đổ ra biển. Chù ụ thoạt nhìn giống như con cua đồng, nhưng trên mai có hoa văn. Chù ụ bắt về đem làm sạch rồi bỏ vào chảo dầu cùng hành, tỏi đập dập, thêm nước cốt me dậy mùi chua ngọt hấp dẫn. Vỏ của chù ụ khá giòn, mềm không cứng như vỏ cua, ghẹ nên có thể ăn luôn cả vỏ, rất nhiều canxi. Ngoài ra chù ụ cũng được chế biến nhiều món khác như hấp, luộc.

Bún nước lèo – Sóc Trăng

Hành trình ẩm thực dọc các tỉnh phía Nam

Bún nước lèo là món ăn gắn tên tuổi với Sóc Trăng.

Bún nước lèo là một trong những món ngon của Sóc Trăng mà bạn không nên bỏ qua. Nước lèo được chế biến theo phương pháp riêng nên trong vắt, không hề có chút cặn nào, lại có mùi thơm đặc trưng của thịt cá lóc. Tô bún nước lèo thường có tôm, thịt cá phi lê, thịt heo quay… ăn kèm với rau húng, giá sống, bắp chuối. Chắc chắn đây sẽ là một gợi ý tuyệt vời cho bữa sáng của bạn khi đến với Sóc Trăng, nhất là với người đến lần đầu.

Bún kèn – Kiên Giang

Đến Kiên Giang bạn tuyệt đối không nên bỏ qua món bún kèn Hà Tiên. Là món ăn dân dã nhưng bún kèn lại chế biến khá cầu kì, nhiều công đoạn. Để thực khách có thể cảm nhận được vị ngọt, béo của cá, cùng sự thanh mát của các loại rau ăn kèm thì người chế biến cần phải tinh tế, khéo léo ở công đoạn nấu nước lèo và sơ chế cá. Bát bún kèn được bưng ra với màu đỏ quyến rũ của lớp ruốc tôm rải bên trên, cùng màu xanh của các loại rau ăn kèm… và hương thơm ngào ngạt khiến người ta thật khó lòng mà làm ngơ.

Bánh tằm bì – Bạc Liêu

Hành trình ẩm thực dọc các tỉnh phía Nam

Bánh tằm bì nổi tiếng ở Bạc Liêu.

Về thăm quê hương của công tử Bạc Liêu bạn nhất định phải thử món bánh tằm Ngan Dừa. Bánh được làm từ những nguyên liệu dân dã, rẻ tiền nhưng không hề kém phần thơm ngon, hấp dẫn. Bột gạo được khuấy chín, đem se thành sợi rồi hấp. Sợi bánh dọn ra đĩa ăn kèm với xíu mại, thịt nạc luộc thái sợi, kèm chút đậu phộng rang giã nhuyễn, rau sống, dưa leo… cuối cùng chan lên một chút nước cốt dừa. Món bánh dân dã thơm ngậy mùi nước dừa quyện với vị béo của thịt, vị bùi của đậu phộng cùng vị thanh mát của các loại rau đã chinh phục được hầu hết các thực khách, cho dù là khó tính đến cỡ nào.

Chuột đồng chiên – Cà Mau

Với người dân miền Tây, đặc biệt là người dân Cà Mau thì chuột đồng chiên sả ớt xứng đáng là món đặc sản số một của mảnh đất này. Chuột đồng vào mùa lúa chín thường béo núc, chắc nịch, người dân bắt đem về làm sạch rồi thui vàng. Chuột đồng được đem ướp với các loại gia giảm cho thật ngấm rồi nhanh tay thả vào chảo dầu đang sôi, chiên cho đến khi vàng ruộm chín đều là có thể bày ra thưởng thức cùng các loại rau sống. Chuột đồng chủ yếu ăn lúa, gạo non nên thịt rất thơm và béo ngậy.

Thảo Nhi

Theo: Ngôi sao

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

Gửi phản hồi

KẾT NỐI

36,378Thành viênThích
1,160Người theo dõiTheo dõi
28Người theo dõiTheo dõi
- Advertisement -

MỚI NHẤT

XEM NHIỀU

XU HƯỚNG