Chảo chống dính là phiền não của nhiều gia đình, khi cứ một thời gian lại phải thay mới. Điều này không chỉ tốn tiền, còn gây hại cho môi trường và sức khỏe.
Ngày nay, các loại nồi chảo chống dính gần như là thiết bị không thể thiếu trong nhà bếp, vì giúp chế biến các bữa ăn không sợ vỡ nát, dễ dàng chùi rửa.
Thiết bị nhà bếp này đã trở nên phổ biến kể từ khi các nhà khoa học chế tạo ra chiếc chảo chống dính đầu tiên vào năm 1954, song thực sự đại dịch Covid-19 đã khiến nó bùng phát. Nhu cầu thị trường về dụng cụ nấu nướng chống dính đạt 206 triệu chiếc trên toàn thế giới vào năm 2020 và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa.
Tuy nhiên lớp chống dính không bền. Các nhà khoa học đã chứng minh sự nguy hại của các vết xước chảo chống dính. Chỉ một vết xước nhỏ trong lòng chảo có thể giải phóng khoảng 9.100 hạt nhựa và gây hại cho sức khỏe, theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Newcastle và Đại học Flinders, Australia năm 2022.
Dù chưa bị xước, lớp phủ chống dính cũng có thể giải phóng các hóa chất độc hại vào không khí khi đạt đến nhiệt độ nhất định. Các nhà khoa học đã cho thấy khi đun nóng đến 260 độ C sẽ bắt đầu tạo ra khói, khi đạt đến 400 độ C sẽ bị phân hủy và sinh ra một số chất độc hại.
Dùng chảo inox hoặc chảo gang bền. Đun chảo nóng đến khi thấy hạt nước chạy vòng tròn hãy cho dầu ăn và nguyên liệu sẽ không lo bị dính. Ảnh: Tần Vũ
Tiến sĩ Vũ Thị Tần, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết nhận ra sự nguy hại, tốn kém từ chảo chống dính nên nhiều năm nay gia đình không dùng loại chảo này, mà dùng chảo inox. Nhiều năm làm việc về thép, tiến sĩ Tần đúc rút ra kinh nghiệm dùng nồi/chảo inox không bao giờ gặp vấn đề dính chảo, kể cả khi rán đậu, cá, trứng.
– Đầu tiên đun nồi chảo từ nhiệt độ thấp rồi cao dần từ 1-3 phút.
– Kiểm tra xem nồi/ chảo đã đủ độ nóng chưa bằng cách nhỏ giọt nước vào. Nếu nước lăn quanh chảo là đã đủ độ nóng. Nếu nước kêu lèo xèo, chưa lăn, bạn phải đợi thêm ít nhất 30 giây nữa.
– Thêm dầu ăn vào chảo/nồi rồi đun trong một phút, hạ bớt lửa so với bước trước.
Ngay tại thời điểm này, bề mặt thép không gỉ sẽ lý tưởng để làm chín thức ăn mà không bị dính. Đây là hiệu ứng Leidenfrost, dẫn đến việc làm nóng bề mặt inox đến mức các thức ăn cho vào chảo nồi bị “lơ lửng”, không tiếp xúc trực tiếp với chảo ngay bởi lớp khí/hơi thoát ra từ thức ăn khi tiếp xúc với chảo nóng.
– Muốn chiên rán gì, bạn cho nguyên liệu vào. Đợi nó chín vàng một mặt hãy đảo.
Dù chiên cá, đậu phụ hay trứng, chỉ cần áp dụng hiệu ứng Leidenfrost thì sẽ không lo chảo inox bị dính. Dùng chảo inox hoặc gang an toàn sức khỏe và tiết kiệm. Ảnh: Tần Vũ
Vài năm trước khi làm việc cho hãng thép Arcelormittal ở Tây Ban Nha, nhờ hiệu ứng Leidenfrost mà nhóm của tiến sĩ Tần đã tạo được nhiều loại thép có cấu trúc khác nhau.
Bảo Nhiên
Theo VnExpress