Cùng một loại rau củ nhưng nếu quan sát kỹ, bạn có thể dễ dàng phát hiện ra đâu là do Việt Nam trồng và đâu là hàng từ Trung Quốc.
Có một điều chắc chắn rằng rau củ Trung Quốc nhập về Việt Nam, để có thể bảo quản lâu, chúng thường được loại bỏ những “yếu tố rườm rà” dễ hỏng như lá, núm, cuộng… và có mã ngoài bắt mắt hơn hàng trong nước.
Bắp cải
Bắp cải Trung Quốc: Trái nhỏ, hình tròn, lá bao bên ngoài màu xanh đậm, lá cuốn không chặt, rất dễ bóc, khi cắt đôi ra các lá không bó sát vào nhau, kết cấu rất lỏng lẻo.
Bắp cải Đà Lạt: Trái to, hình tròn dẹp, lá bao bên ngoài có màu xanh nhạt, lá cuốn chặt, khó bóc, khi cắt đôi ra các lá bó sát vào nhau, kết cấu rất chặt chẽ.
Cà chua
Là một trong số nhiều loại rau củ Trung Quốc được bán tràn lan tại các chợ ở Việt Nam. Điểm dễ phân biệt nhất là cà chua Việt hình thuôn nhỏ bầu dục, nhiều quả có núm nhỏ, nhọn hoặc cà chua sẽ có hình tròn dẹt, méo mó; vỏ bên ngoài không bóng đẹp.
Trong khi đó, cà chua Trung Quốc thường có hình tròn, vỏ bóng, căng mịn trông rất bắt mắt; do được bón thuốc tăng trưởng nên thường cà chua quả sẽ rất to, đều nhau thường không có cuống hay núm quả.
Bí đỏ
Bí đỏ Trung Quốc: Có kích thước lớn, quả dài, vỏ ngoài bóng và đẹp.
Bí đỏ Việt Nam: Có kích thước nhỏ, vỏ ngoài sần sùi và hình dáng méo mó.
Cà rốt
Cà rốt Việt Nam thường nhỏ, có cuống, rễ nhỏ li ti trên thân, củ màu hồng nhạt ngả sang vàng. Cà rốt Trung Quốc bóng loáng, củ đều, to không có cuống hay đầu thường đen do để lâu.
Hành tây
Việt thường có màu vàng trắng, phần ruột trắng ngần, thường có lớp vỏ mỏng, không có độ bóng, hơi sần, khô ráp. Còn hành tây Trung Quốc vỏ màu vàng thẫm, sáng bóng, kích thước to và dài. Bên trong có màu trắng hơi ngả sang màu xanh, đẫm nước.
Cải thảo
Cải thảo trồng tại Việt Nam có bắp thon dài, đầu búp thường xoăn hơn và hình thức không bắt mắt bằng cải thảo Trung Quốc. Cải thảo Trung Quốc tròn trịa hơn, đầu búp uốn vào và không xoăn.
Tỏi
Tỏi Trung Quốc củ rất to, vỏ ngoài màu trắng hơi vàng, dễ bóc. Trái lại tỏi Việt thường củ nhỏ, nhiều tép, tép nhỏ vỏ ngoài màu trắng hoặc nâu tím, khó bóc. Tỏi ta có vị the, có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng.
Gừng
Việt Nam vỏ xỉn màu, nhiều rễ và nốt sần sùi, bẻ đôi củ sẽ thấy có đường gân bên trong, có vị thơm đậm, cay nồng. Trong khi gừng Trung Quốc củ to, tròn, da trơn láng, mịn màng, thân mọng nước, rất ít gân, xơ.
Hành khô
Hành khô Việt thường có vài tép trên một củ, thơm, lớp vỏ dày còn hành khô Trung Quốc củ to, thường chỉ có 1 tép, màu đỏ nhạt, không thơm, vỏ mỏng.
Khoai tây
Nếu như khoai tây Trung Quốc có kích thước đồng đều, vỏ dày, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to thì khoai tây Đà Lạt ít đồng đều, vỏ mỏng nên dễ bị trầy. Khoai Tây Trung Quốc da hồng khi cắt ra có màu vàng đậm hơn so với khoai Đà Lạt.
Súp lơ xanh
Súp lơ Trung Quốc bông nhỏ, cuống ngắn, có màu xanh đậm hơn còn súp lơ Việt bông to, cuống dài và có màu xanh nhạt. Búp lơ Trung Quốc đều nhau, mịn trong khi hoa lơ Việt ít đồng đều, có sự sần sùi.
Minh Khôi (T/h)
Nguồn: Đời sống & Pháp luật