25 C
Hanoi
Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Bất ngờ chuyện bánh ít lá gai vào thực đơn trên máy bay

- Advertisement -
- Advertisement -

Trên chuyến bay Nội Bài – Phù Cát, nhiều hành khách ngạc nhiên khi được thưởng thức món bánh ít lá gai Bình Định. Chiếc bánh nhỏ gọn hình tháp được gói rất đẹp khiến người ăn ấn tượng đặc biệt với vùng đất võ.

Bất ngờ chuyện bánh ít lá gai vào thực đơn trên máy bay

Hương vị ngọt béo, dẻo bùi của bánh ít lá gai đã chinh phục biết bao đầu lưỡi khó tánh nhất – TN

Bánh bánh ít trên máy bay và qua mạng

Dịp cưới hỏi, giỗ chạp truyền thống nhiều vùng đất miền Trung buộc phải có bánh ít lá gai bởi vậy thấy bánh này là biết có… sự kiện. Cái hương vị ngọt béo, dẻo bùi của nếp, đường, đậu xanh, dừa và lá gai pha khéo đã chinh phục biết bao đầu lưỡi khó tánh nhất. Thế nhưng hiếm có nơi nào mà bánh ít lá gai lại “leo cao, trèo sâu” như ở xứ Nẫu: Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.

Nhờ bao “tâm hồn ẩm thực”, đặc sản bánh ít quê mùa này đã không còn “dài đường đi”. Mấy năm nay, các hộ làng nghề bánh ít ở Bình Định đã “rục rịch” cho những chuyến đi xa.

Càng thú vị khi đại diện của Sân bay Phù Cát (Bình Định) cho biết: “Bánh ít lá gai đang được sử dụng trong khẩu phần ăn của khách trên các chuyến bay, đặt hàng tại Cơ sở Bánh ít lá gai Bà Dư (thôn Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, Bình Định). Đây là cơ sở bánh ít nổi tiếng nhất ở xứ Nẫu lúc này, đã đăng ký độc quyền thương hiệu từ năm 2012”.

Bất ngờ chuyện bánh ít lá gai vào thực đơn trên máy bay

- Advertisement -

Lá gai, nguyên liệu tạo sự khác biệt của bánh ít Bình Định – ĐÀO ĐỨC TUẤN

Chị Võ Thị Bích Ngọc (con dâu bà Dư) cho biết, vợ chồng chị kế thừa lò bánh ít lâu năm của mẹ chồng. Lúc trước, chỉ làm quanh quẩn phục vụ cho những dịp giỗ chạp và bán ở chợ huyện. Nhờ chăm chỉ với nghề, bánh ít Bà Dư ngày càng vang xa, nhất là với kẻ “mang nỗi nhớ quê nơi ngọn lưỡi”.

Dưng mà có hồi “tiền gởi xe đò cao hơn giá bánh”. Rất may, một số đơn vị kinh doanh đặc sản du lịch đã chủ động bắt tay với Bà Dư bằng các hợp đồng đặt hàng ổn định, cùng yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm (tuyệt đối không “chơi” chất bảo quản).

Bình thường, mỗi ngày cơ sở Bà Dư cho ra lò khoảng 5.000 cái bánh theo đơn đặt hàng. Dịp Tết cổ truyền, lượng bánh ít ra lò tăng gấp 4-5 lần.

Ngoài các lễ tiệc trong tỉnh, khách hàng thường xuyên của lò bánh Bà Dư là các đại lý đặc sản nhiều nơi trong và ngoài nước. “Riêng Sân bay Phù Cát đặt hàng bình quân 700 bánh/ngày. Trả tiền mặt “tại trận” nếu đột xuất có tăng về số lượng. Còn đa phần các đại lý đều đặt hàng qua mạng, chuyển tiền qua tài khoản. Cái chuyện đáp ứng khách hàng qua mạng này cũng phải học hỏi liên tục. Tui phải cho đứa con đi học công nghệ thông tin để… dễ bề ứng phó”, chị Ngọc cười bên chiếc máy tính và chồng sổ đặt hàng cứ đầy lên mỗi ngày với các đơn hàng online, điện thoại.

Nhờ lá gai, ăn hoài không ngán

Bất ngờ chuyện bánh ít lá gai vào thực đơn trên máy bay

Những chiếc bánh ít hình tháp được sản xuất thủ công tại cơ sở Bà Dư – ĐÀO ĐỨC TUẤN

- Advertisement -

Bất ngờ chuyện bánh ít lá gai vào thực đơn trên máy bay

Những nữ công nhân tại cơ sở Bà Dư – ĐÀO ĐỨC TUẤN

Trong khuôn viên khoảng 300 m2 cạnh ngôi nhà hai tầng khang trang, 15 lao động chuyên nghề (phần lớn là phụ nữ) đang thoăn thoắt các công đoạn luộc giã lá gai, quết nhuyễn với bột nếp, bào dừa, xào nhân, gói lá, hấp bánh…

Ngoài ra, Bà Dư còn giải quyết hàng chục lao động trong các khâu cung cấp lá gai, lá chuối, cùng mỗi tháng hàng tấn nếp, dừa, đậu xanh, đường… Nhân công tại cơ sở Bà Dư hiện thu nhập ít nhất cũng hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

“Công việc không nặng lắm nhưng phải khéo tay và chịu khó thức từ 4 giờ sáng. Làm việc và ăn trưa tại chỗ, đến xế chiều thì nghỉ. Ở vùng quê này, tôi thấy cuộc sống ổn định khi đi làm công bánh ít. Rất mừng là bánh ít lá gai ngày càng nhiều người ưa chuộng”, chị Thành nói trong lúc đang chia bột gói bánh.

Với ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch miền Trung (TP Quy Nhơn), bánh ít lá gai dù là thức ngọt nhưng hương vị “không thể cưỡng” bởi có sự hiện diện của lá gai – một thức ăn, vị thuốc xứ Nam Trung bộ, đặc biệt thơm quyện và hỗ trợ tiêu hóa. Thế nên bánh ít lá gai sản xuất thủ công đã thuộc diện “ăn hoài không ngán”.

“Bánh ít lá gai Bình Định là một sự “phối hợp ghi bàn ngoạn mục” của tâm huyết làng nghề truyền thống với những người “cầu nối” bằng các phương thức bán hàng hiện đại. Ở đây, yếu tố “nhanh chóng – hiện đại” phải đặt lên hàng đầu để “nâng cánh” đặc sản quê, bởi bánh ít lá gai không phải là món có thể để dài ngày…”, ông Trung nói.

Theo Thanh niên online

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

KẾT NỐI

36,378Thành viênThích
1,160Người theo dõiTheo dõi
28Người theo dõiTheo dõi
- Advertisement -

MỚI NHẤT

XEM NHIỀU

XU HƯỚNG