27 C
Hanoi
Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Những món ăn khiến 'thế giới chia làm hai phe'

- Advertisement -
- Advertisement -

Hành, tỏi, sầu riêng, mắm tôm, thịt chó hay đồ sống là những thực phẩm nhiều người thích nhưng cũng lắm kẻ ghét.

Bất kỳ món ăn nào cũng sẽ có người thích, người không. Nhưng những món ăn sau đây luôn khiến thế giới chia làm hai thái cực. Một là “chết mê chết mệt”, một là “ghét cay ghét đắng”.

Hành

Những món ăn khiến 'thế giới chia làm hai phe'

Cùng là gia vị nhưng khác với tiêu hay ớt, hành là loại thực phẩm được chú ý hơn cả. Bởi lẽ, nếu đã ăn được hành thì dù ăn món gì, từ bún, miến, phở đến món canh hàng ngày, bạn cũng sẽ phải cho một chút hành vào mới thấy đầy đủ hương vị. Ngược lại, có rất nhiều người không thích ăn hành. Thậm chí, “team không ăn hành” có lẽ còn đông ngang ngửa với những người ăn được loại rau gia vị này. Do đó, câu “order” cửa miệng của rất nhiều người là “không ăn hành” tới mức chủ quán cũng cảm thấy quen tai.

Đa số những người ghét ăn hành đều chia sẻ lý do là họ không chịu được mùi hăng của chúng, khiến họ khó chịu khi ăn uống. Nhưng một số khác lại có phản ứng nặng hơn với hành như ngứa, khó chịu, phù lưỡi, nổi mề đay. Nhiều khả năng họ đã nhiễm một hội chứng lạ ở đường miệng (Oral Allergy Syndrome) khiến cho việc ăn hành sẽ trở nên cực hình hơn bao giờ hết.

Sầu riêng

- Advertisement -

Những món ăn khiến 'thế giới chia làm hai phe'

Sầu riêng là “ca” điển hình thứ hai khiến lắm người thương nhưng cũng không ít kẻ ghét. Đây là loại quả của vùng nhiệt đới, có vỏ gai, gần giống như trái mít, rất phổ biến ở Đông Nam Á và Việt Nam. Sầu riêng khu vực miền Tây và Tây Nguyên rất nổi tiếng với mùi vị ngọt thơm, mùi hương cách xa cả trăm mét cũng ngửi thấy. Dù vậy, loại quả gai góc này cũng là “ác mộng” của nhiều người.

Với những người yêu thích thì sầu riêng có mùi thơm ngào ngạt nhưng với những người dị ứng loại quả này thì mùi hương được miêu tả cũng ở thái cực đối lập. Một số thí nghiệm đưa ra với các vị khách bất kỳ, thường là người phương Tây, khi lần đầu tiên thử ăn và nếm sầu riêng. Không ít trong số họ miêu tả mùi của  chúng rất kinh dị, giống như mùi “tất thối”, “thịt thối” hay “rác thải”.

Theo các nhà khoa học, có tới 19 hợp chất tạo mùi được xác định trong mùi hương của sầu riêng, một số gần giống mùi hành hoặc hành thối, một số lại có mùi ngọt như mật ong, trái cây chín. Có lẽ chính vì sự kết hợp của quá nhiều hợp chất – cả ngọt lịm và nặng mùi nên sầu riêng mới sở hữu một hương thơm độc đáo mà nhiều người yêu thích, có người lại bịt mũi chạy xa.

Tỏi

Những món ăn khiến 'thế giới chia làm hai phe'

Cũng giống như hành, tỏi cũng có một lượng fan và antifan gần như tương đương nhau. Rất nhiều người sợ mùi lẫn hương vị hăng hăng của tỏi nhưng cũng không ít người thích cho tỏi vào các món ăn của mình. Lý do mà những người sợ tỏi đưa ra là tỏi có mùi quá nồng, đặc biệt khi ăn vào sẽ lưu lại mùi khó chịu ở miệng khiến giao tiếp hạn chế.

- Advertisement -

Tuy nhiên, tỏi lại là loại thực phẩm có rất nhiều tác dụng với sức khỏe. Mỗi 100 gr tỏi cung cấp 150 calo, 6,36 gr protein và giàu vitamin B1, B2, B3, B6, folate, C, canxi, sắt, magiê, mangan, phốt pho, kali… Một người trưởng thành khỏe mạnh có thể tiêu thụ đến 4 tép tỏi mỗi ngày. Tỏi có tác dụng trị cảm cúm, giảm mụn,  giảm huyết áp, chống ung thư, cải thiện hệ xương…

Để ngăn ngừa mùi khó chịu của tỏi, bạn có thể nhai kẹo cao su  hay dùng kẹo xịt khử mùi sau khi ăn. Hoặc có thể ăn tỏi đen – một loại thực phẩm biến thể từ tỏi tươi, được ngâm cùng bia trong nhiều ngày để lên men. Tỏi đen không còn mùi hăng mà lại còn tốt cho sức khỏe hơn tỏi tươi, đặc biệt với việc phòng chống ung thư.

Mắm tôm

Những món ăn khiến 'thế giới chia làm hai phe'

Khi đi ăn bún đậu, rất nhiều người phải yêu cầu thay mắm tôm bằng nước mắm, dù “cặp bài trùng” bún đậu – mắm tôm đã trở thành huyền thoại. Nhiều khách nước ngoài cũng tiết lộ, ăn mắm tôm là thử thách khó khăn nhất với họ khi tới Việt Nam. Không ít người Việt cũng cảm thấy mắm tôm có mùi quá nồng, vị quá gắt và để lại mùi tanh trong miệng khiến việc giao tiếp ngần ngại hơn.

Mắm tôm là loại gia vị truyền thống của người dân nước ta, được làm từ tôm, tép hoặc moi biển giã nhỏ, trộn với muối. Sau đó ủ trong chum ngoài nắng từ 6 đến 12 tháng cho tới khi có màu tím nhạt là được. Do không qua chế biến chín nên nhiều người cũng e ngại về độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Dù vậy, nếu được làm một cách đảm bảo thì mắm tôm vẫn rất ngon và không thể thiếu khi ăn nhiều món ăn Việt như bún đậu, chả cá…

Thịt chó

Những món ăn khiến 'thế giới chia làm hai phe'

Thịt chó cũng là món ăn gây ra nhiều tranh cãi nhất nhưng không phải do hương vị mà do quan niệm, tập quán ở mỗi địa phương. Với người phương Tây, chó là người bạn với mỗi gia đình và được chăm sóc rất chu đáo, cẩn thận trong nhà. Do vậy, việc ăn thịt chó trở thành việc rất kinh khủng với họ. Tuy nhiên, ở một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam thì thịt chó là một món ăn khá thân quen, được nhiều người yêu thích, thậm chí là nghiện.

Thời gian qua, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra nhằm bảo vệ loài chó khỏi việc bị giết thịt của cộng đồng yêu động vật ở các quốc gia này. Không ít chú chó bị làm thịt là chó bị trộm từ các gia đình hay chó không rõ nguồn gốc, dễ nhiễm bệnh dại. Một số dự thảo quy định được đưa ra ở Việt Nam nhằm cấm bán và giết mổ thịt chó nhưng ngay lập tức bị phản đối bởi “team” thích ăn thịt chó. “Cuộc chiến” này vẫn chưa có hồi kết nhưng số lượng các quán thịt chó ở Hà Nội và TP HCM đã giảm đi đáng kể so với thời kỳ thịnh hành.

Thịt chó thường được chế biến thành các món như luộc, nướng, quay, hấp, nấu rượu mận, xào lăn, xáo măng, lẩu… Trên phương diện dinh dưỡng, thịt chó chứa nhiều đạm, chất béo và các dưỡng chất như vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, Vitamin C, canxi, sắt… Theo quan niệm của Đông y, thịt chó có vị mặn, tính ấm, xương chó có vị ngọt, tính ấm làm mạnh gân cốt, sinh cơ chống rét và hoạt huyết.

Đồ sống

Những món ăn khiến 'thế giới chia làm hai phe'

Các loại đồ sống cũng có số lượng yêu thích và sợ hãi ngang nhau. Đồ sống thường được làm thành sushi, sashimi, các loại gỏi sống hay thậm chí là ăn tươi nguyên con như hàu sống, tôm sống… Thậm chí, ở nhiều nơi, người ta còn ăn ngay khi chúng còn ngọ nguậy. Với những người yêu thích đồ sống, họ nhận thấy, các loại đồ sống có nhiều dưỡng chất, hương vị lại tươi ngon. Các chất dinh dưỡng được bảo toàn, không bị mất đi trong quá trình chiên, nướng, tẩm ướp.

Nhưng những người ở “phe đối lập” lại cảm thấy ăn đồ sống ẩn chứa nhiều nguy cơ về vệ sinh như chứa nhiều sán, vi khuẩn… Ăn đồ sống có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Những ký sinh trùng sống ký sinh trong cơ thể người sẽ làm hao hụt các chất dinh dưỡng và gây tổn thương niêm mạc ruột làm rối loạn tiêu hóa, thiếu dinh dưỡng và có thể thiếu máu mãn tính. Ấu trùng sinh ra từ các loại ký sinh trùng đường ruột có thể lưu thông trong máu đến các cơ quan khác như phổi, não, gan, mắt… và gây tổn thương các cơ quan này, có khi dẫn đến tử vong. Với những món sử dụng động vật chưa chết hẳn, vẫn còn ngọ nguậy thì việc này còn bị đánh giá là phi nhân đạo.

Hà Nguyên

Theo Ngôi sao

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

KẾT NỐI

36,378Thành viênThích
1,160Người theo dõiTheo dõi
28Người theo dõiTheo dõi
- Advertisement -

MỚI NHẤT

XEM NHIỀU

XU HƯỚNG