Một người bạn dân Châu Đốc chạy ào ra đâu đó và đem về giới thiệu với tôi món bánh khoai mì nướng đường phố sau khi nghe tôi hỏi vu vơ ‘Châu Đốc có món gì ngon?’.
Ảnh: Phương Nguyễn
Người bạn đó còn khoe rằng bà bán bánh khoai mì chỉ bán một chặp trong ngày, không kịp mua là hết ráng chịu. Thế là suốt chặng đường dài về lại TP.HCM, tôi cứ tự hỏi sao người Châu Đốc không biết cách đưa một món ăn đường phố dễ thương như vậy đến với du khách. Mà cứ phải đánh đố du khách, kiểu mua ở đâu, mua lúc nào thì kịp? Một điểm đến du lịch, chắc chắn, không nên để các dịch vụ hấp dẫn của mình trở nên bí ẩn và khó tiếp cận như thế.
Top 3 của miền Tây
Năm 2017 An Giang đón tới 7 triệu lượt du khách. Phần lớn trong số đó là du khách đến với du lịch tâm linh Châu Đốc. Con số ấy đưa An Giang nói chung, Châu Đốc nói riêng, vào danh sách top 3 điểm đến miền Tây thu hút du khách, cùng với Cần Thơ và Phú Quốc (Kiên Giang). Đến mức, người Châu Đốc có thể an tâm rung đùi không cần làm thêm điều gì để thu hút du khách. Một Miếu Bà Chúa Xứ đủ sức để lo việc ấy.
Nhưng thật ra du lịch Châu Đốc chưa bao giờ cải thiện được hai chỉ số quan trọng là độ dài thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách. Độ dài lưu trú trung bình của du khách đến đây chỉ cỡ 0,7 ngày. Còn mức chi tiêu du lịch thì rất thấp, không qua ngưỡng 300.000 đồng/khách. Tổng thu từ du lịch không tương xứng chút nào với vị thế mà Châu Đốc có được trên bản đồ du lịch miền Tây.
Thế là câu hỏi về món bánh khoai mì nướng biết đâu lại có thể là một gợi ý tốt để tìm câu trả lời.
Hạ tầng du lịch và dịch vụ ở Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung khó lòng giữ chân du khách lâu hơn, dù địa phương này đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện. Chí ít du lịch Châu Đốc cũng phải chờ thêm chục năm nữa để có được sự thay đổi thật sự về hạ tầng du lịch và dịch vụ. Nhưng có những việc dễ làm hơn, không phải chờ đợi lâu hơn để cải thiện hiệu suất của kinh tế du lịch địa phương.
Thành phố Châu Đốc bên bờ sông
Sự giản dị 5 sao
Dọc đâu đó trên những cung đường giản dị của thành phố bé nhỏ bên bờ nam sông Hậu (sông Bassac) dưới chân núi Sam, người dân Châu Đốc sở hữu bí quyết đặc biệt để làm ra những món bánh dân dã mang đậm phong cách đường phố, có thể khiến du khách đến đây không cưỡng lại nhu cầu thưởng thức.
Tôi cứ thử nhẩm tính với món bánh khoai mì nướng thơm lừng mình từng được nếm, rằng nếu chỉ một nửa số du khách của Châu Đốc mua món bánh này với giá 10.000 đồng thôi, thì doanh số du lịch của địa phương có thể sẽ tăng thêm hàng chục tỉ đồng. Sao cứ đợi chờ chi những công trình to đùng vật vã vốn đầu tư cả trăm, nghìn tỉ đồng mới có, phải chờ đợi thêm cả chục năm trời may ra mới có. Sao Châu Đốc không chọn con đường giản dị hơn, là tận dụng tối đa những ưu thế về tài nguyên du lịch nhân văn ngay trong cộng đồng để phát triển du lịch.
Không thể để những món ăn giản dị nhưng quyến rũ như món bánh khoai mì nướng lại định vị đâu đó một cách lạc lõng bên ngoài quỹ đạo phát triển du lịch Châu Đốc. Du khách đến viếng Miếu Bà Chúa Xứ, xuống núi rồi không biết nên đi đâu, nên mua gì ngoài chuyện mua ít hàng xuất xứ Thái Lan giá rẻ hay vài món mắm mà không phải du khách nào cũng biết ăn. Chẳng lẽ trong một chuyến du lịch tâm linh người ta lại nghĩ đến nhà hàng nhậu nhẹt và quán karaoke ầm ĩ? Trong cái mạch lạc thanh tịnh của tâm linh thì người ta chỉ có thể tìm đến với ẩm thực nhẹ nhàng, chay tịnh, tìm đến với những thú vui đầy an lạc như rảo bước trên những cung đường có lề cỏ đầy thanh thoát, được bình yên dạo bước trong không gian giản dị nhưng tươm tất và lịch thiệp.
Châu Đốc cần quy hoạch ngay những cung đường như thế kết hợp với những địa chỉ ẩm thực đường phố giản dị để phục vụ du khách. Còn bao nhiêu món ăn giản dị và quyến rũ như món bánh khoai mì nướng ở Châu Đốc đã bị bỏ quên bên ngoài những kế hoạch phát triển du lịch của vùng đất này? Tôi hỏi câu ấy với một vài người đang tâm huyết phát triển du lịch Châu Đốc, họ đều nói còn nhiều món lắm. Nhưng những món ấy đang ở đâu thì dường như lại là điều thách đố với du khách.
Tin liên quan
Ngang qua những con đường dẫn đến Núi Sam, và cả những con đường trong nội đô Châu Đốc, tôi cứ tự hỏi sao ở đây người ta chưa ý thức rõ ràng về một thứ bản sắc địa phương vô giá là “sự giản dị 5 sao”. Dễ thôi mà, cùng nhau quy ước một định dạng về đường phố du lịch với những tiêu chí giản dị và ít tiền như: lề đường cỏ xanh, sự sạch sẽ vệ sinh, sự ngăn nắp hai bên đường, văn hóa ưu tiên cho người đi bộ. Những thứ dường như chỉ cần đầu tư bằng ý người, bằng sức người, chẳng mấy tốn kém. Và có thể bắt tay làm được ngay mà không phải chờ đợi gì thêm.
Cuối tháng 3 vừa rồi, Châu Đốc chính thức khởi động thương hiệu du lịch “An nhiên Châu Đốc”. Chọn hai chữ “an nhiên” ấy, chắc chắn những người làm du lịch Châu Đốc đã vững tin vào một giá trị tâm linh lâu đời mà Châu Đốc may mắn có được – Miếu Bà Chúa Xứ, nơi gửi gắm những ước nguyện của đời người. Nhưng ngoài giá trị tâm linh đặc biệt đó, chắc chắn người Châu Đốc nên làm thêm vài điều cho du khách, chí ít là làm điều đơn giản như đem món bánh khoai mì nướng Châu Đốc đến gần hơn với du khách trong mỗi chuyến viếng thăm thành phố này.
Theo Thanh niên online