24 C
Hanoi
Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Phở tử tế phố Hàng Đường

- Advertisement -
- Advertisement -

Gánh phở ấy chỉ mở hằng ngày từ giờ Sửu đến giờ Dần, đậm đà miếng sốt vang, nồng nàn sự quan tâm giữa cô chủ gánh và thực khách.

Cứ đến tầm 3 giờ sáng là là ngã tư Hàng Đường giao Hàng Chiếu (Hà Nội) lại đỏ lửa than hồng. Ấy là khi gánh phở đêm của cô Hoa bắt đầu phiên bán hàng từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng. Đó là múi giờ của những người ham chơi đêm ở Hà Nội, khi ấy đều đã bải hoải cả thể xác lẫn tinh thần.

Trong thời điểm đêm sắp chuyển sang sáng đó, ánh đèn của gánh phở như một ngọn lửa ấm áp hấp dẫn những nhóm người lặng lẽ tụ về đây, ngồi xúm xít trên những chiếc ghế nhựa vuông, dưới chân cột đèn, mắt sáng rực, mũi hít hà từng làn khói bốc lên từ nồi nước dùng luôn sôi sùng sục.

Phở tử tế phố Hàng Đường

Cái gánh phở ấy đơn giản lắm, tưởng chừng chẳng có gì đơn giản hơn thế. Gánh phở gồm 2 cái quang, và 2 cái thúng to, một bên đặt bếp than tổ ong, phía trên là nồi nước dùng to tướng. Thúng bên kia đựng bánh phở bát, thìa đũa và những đồ lặt vặt.

Gạch nối giữa 2 bên quang thúng không phải là chiếc đòn gánh mà là một chiếc bàn nhỏ, bày cái mâm nhôm, trên đó chỗ thì thịt bò tươi sống thái mỏng để trong bát, chỗ là đĩa thịt bò chín thái sẵn, rồi thì là rau thơm, tương ớt sẵn sàng.

Chưa hết, ngay phía trước thúng đựng bánh phở là cái nồi to tướng đựng sốt vang bò, món “signature” của cô Hoa: phở sốt vang. Rồi bao vây xung quanh bà chủ là nồi nước sôi trần bánh, rổ hành hoa, cùng nhiều thứ linh tinh khác nhưng rất quen thuộc với bà chủ, cần món gì chỉ cần với tay lấy mà không cần nhìn.

- Advertisement -

Gánh phở đã đơn sơ, nên thực khách cũng chẳng đòi hỏi cầu kỳ. Chỉ có một vài cái bàn nhựa chỏng chơ, trên để lọ giấm ớt tỏi, lọ tương ớt nhưng không có ống thìa đũa. Khách đến gọi phở thì ông chồng bà chủ hay mấy người phụ quán mới cầm một set đũa thìa, quấn trong một cái giấy ăn cho khách.

Chả sao, không có bàn cũng được, miễn là có ghế ngồi, miễn là được ăn phở. Ăn phở không có chỗ ngồi đàng hoàng cũng thú, thực khách phải bưng bát phở nóng trên tay nên phải hết sức tập trung, tránh rớt ra tay nên chú tâm hoàn toàn vào việc ăn phở, không bị phân tâm bởi truyện trò, chụp ảnh đăng Facebook…

Ngồi ở cái ngã tư đó, dưới cái chân cột đèn đó, ngước mắt nhìn lên, thấy những vì sao đang lấp lánh trên màn trời đen, chợt nhớ đến tác phẩm “Những ngã tư, những cột đèn” của nhà văn Trần Dần, một người Nam Định vô cùng mê phở, thứ có nguồn gốc từ quê hương Nam Định của ông và cũng được ông đưa vào tác phẩm.

Phở tử tế phố Hàng Đường

Trong bóng đêm “láo nháo” là một cuộc sống dẫu không ồn ã như cuộc sống ban ngày song vẫn rất sôi động. Gánh phở đêm Hàng Đường của cô Hoa không dành cho những người đang say giấc nồng vào cái thời điểm ngủ say, ngủ ngon nhất trong ngày đó. Bởi mở bán vào cái thời gian đặc biệt nên cái gánh phở ấy cũng vô cùng đặc biệt. Khách hàng đa phần là thanh niên và trung niên, thuộc độ tuổi từ ngoài 20 đến 40, nhưng thanh niên nhiều hơn.

Cũng đúng, chỉ có ở thanh niên mới tràn trên năng lượng cần giải tỏa ở những cuộc du hí thâu đêm suốt sáng, để rồi ghé gánh phở này trước khi về ngủ. Tuyệt nhiên không có, hoặc rất ít thực khách là trẻ con hay người cao tuổi, đến gánh phở này cũng bởi cái múi giờ hoạt động đặc biệt của nó.

Khác với những quán phở ầm ĩ khác, cái không gian đêm tĩnh lặng đặc quánh ở gánh phở của cô Hoa. Cả chủ và khách đều nói năng nhẹ nhàng để tránh làm phiền hà những người đang say ngủ trong nhà. Ấy thế mà lại tạo ra điều hiếm có ở Hà Nội, nhất là ở những nơi công cộng: Nói năng nhỏ nhẹ, ăn uống nhẹ nhàng, hành xử lịch sự.

- Advertisement -

Chính bởi sự nhẹ nhàng và nụ cười tươi tắn như hoa luôn thường trực trên khóe miệng của cô Hoa mà toàn bộ không gian gánh phở cũng nhẹ nhàng, tươi tắn lây. Lâu nay, người ta cứ lắc đầu khi nói về thứ “văn hóa bún quát, cháo chửi” của người Hà Nội. Nhưng giá mà họ được đến đây để thưởng thức văn hóa bán phở tử tế này.

Hầu như những người đến đây ăn phở đều có mối quan hệ với bà chủ gánh phở. Đó là tình cảm quen biết lâu dài, bắt nguồn từ món phở tuyệt ngon của bà chủ. Khách nhớ phở, nhớ gánh phở còn bà chủ nhớ khách, tên tuổi của khách, sở thích ăn của khách.

Thế nên, khách và chủ cứ xởi lởi chào hỏi thân tình, khiến cho sự tử tế đọng đầy trong từng húp phở, thậm chí còn vẳng theo lời chào chia tay rất đỗi quan tâm: “Thôi, chúng mày về ngủ ngay đi các con nhé”. Vâng, đó là lời dặn của cô Hoa với mấy khách hàng quen, những thanh niên tóc nhuộm, cơ thể xăm trổ, đậm chất dân chơi mà lại ngoan ngoãn: “Vâng, chúng con về cô nhé”.

Song nếu chỉ có tử tế không thôi, thì gánh phở đã không đông khách đến thế. Bởi cốt lõi là phở rất ngon, nhất là phở sốt vang. Bát phở của gánh không quá to để khách có thể bưng ăn dễ dàng, nhưng đạt đủ những tiêu chí: nước dùng nóng, bánh phở mềm dai, thịt sốt vang mềm nhưng vẫn sần sật chút gân, ăn rất thú.

Phở tử tế phố Hàng Đường

Còn phở chín hay phở tái thì không xuất sắc hơn các quán khác, ngoại trừ thịt bò dùng để làm phở luôn là thứ thịt tươi, mới lấy từ lò mổ và là thịt bò 100%. Tuy nhiên, tiếng là phở gánh như giá phở không mềm chút nào, từ 40-45 nghìn đồng/bát. Có thể hiểu được điều này, bởi gánh phở hoạt động vào múi giờ quá đặc biệt nên giá có cao một chút thì cũng chấp nhận được. Ấy thế mà, lúc nào gánh phở cũng đông khách, và thường dọn hàng trước khi trời sáng. Phải hôm nào vắng lắm thì những người ngủ dậy sớm mới có thể ăn những bát phở “đáy nồi”.

Bây giờ là mùa thu, quãng thời gian đẹp nhất của Hà Nội. Nếu như hôm nào bạn vui chân chơi đêm để đằm mình trong vẻ đẹp về đêm của mảnh đất “kiều thơm”, hãy cố nán mình trên phố đến 3 giờ sáng để một lần thưởng thức thứ phở tử tế Hàng Đường của cô Hoa.

Parsley

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

Leave a Reply

KẾT NỐI

36,378Thành viênThích
1,160Người theo dõiTheo dõi
28Người theo dõiTheo dõi
- Advertisement -

MỚI NHẤT

XEM NHIỀU

XU HƯỚNG