22 C
Hanoi
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Mâm cỗ Giao thừa năm nay cúng gì?

- Advertisement -
- Advertisement -

Cúng Giao thừa là lễ tiễn năm cũ, đón năm mới đồng nghĩa với việc bỏ cái xấu, đón cái mới – một nghi lễ rất quan trọng trong mỗi gia đình người Việt. Vậy mâm cỗ Giao thừa năm Bính Thân gồm những gì?

Mâm cỗ Giao thừa năm nay cúng gì?

Mâm cỗ cúng Giao thừa của người miền Bắc (Ảnh: P.T)

Những thứ không thể thiếu trong mâm cỗ

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Trường ĐH KHXH&NV), cúng Giao thừa hay còn gọi là cúng trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để “khu trừ ma quỷ”, do đó có từ “trừ tịch”. Lễ thường được tiến hành vào giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm hôm 30 tháng Chạp.

Người Việt tin rằng, mỗi một năm có các vị thần Hành binh, Hành khiển, Phán quan cai quản hạ giới khác nhau. Cứ hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản hạ giới trong năm mới. Thế nên lễ Giao thừa trong dân gian có thể hiểu như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân” tiễn đưa những vị thần năm cũ đi và nghinh đón những vị thần mới. Đây chính là một tập tục đẹp thể hiện sự tri ân báo đức cũng như bày tỏ lòng mong ước được gia hộ cho bình an, hạnh phúc và ấm no.

Mâm cỗ cúng đêm Giao thừa gồm có: Hương, đăng, trà, nước. Đăng là 2 cây đèn hoặc 2 cây nến để tượng trưng cho mặt Trăng, mặt Trời. Nước phải là nước trong, nước sạch hoặc có thể dùng một chút rượu. Bên cạnh đó, cần có thêm thịt động vật, thường là thịt lợn hoặc thịt gà. Tuy nhiên, trong văn hóa truyền thống của người Việt, người ta vẫn dùng gà trống để cúng. Người Việt quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Bông hoa hồng đỏ trên miệng gà là hình ảnh tượng trưng cho ông mặt Trời. Thêm vào đó, có thể đặt vào mâm lễ những sản vật khác như xôi, bánh chưng, bánh kẹo, mứt, hoa tươi…

Tùy mỗi miền, mâm cỗ cúng đêm Giao thừa cũng có sự khác nhau. Với người miền Bắc, mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời khá đầy đủ và phong phú các món ăn. Đặc biệt gà luộc không thể thiếu trong mâm cỗ mặn và gà cúng Giao thừa thường phải là gà trống ngậm hoa hồng. Bên cạnh xôi, gà hoặc thủ lợn, người Bắc cúng Giao thừa cùng bánh chưng, mứt, trầu, cau, rượu, nước, vàng mã và cả hoa quả. Gà cúng đêm Giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, không khuyết tật, màu lông đỏ hay vàng đỏ, mào đơn thẳng đứng, mỏ vàng, chân vàng… và quan trọng là chưa đạp mái.

- Advertisement -

Ở miền Nam, mâm cỗ Giao thừa đơn giản hơn ngoài Bắc với đĩa ngũ quả, hoa trang hoặc vạn thọ, sống đời, hai cây đèn cầy (nến), lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn. Nếu đầy đủ và đúng thì mâm lễ mặn phải có thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng, chè. Đặc biệt kèm thêm bắp cải thảo… tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Vào đúng thời điểm Giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án.

Còn mâm cỗ Giao thừa miền Trung cũng không thể thiếu gà, bánh chưng và bánh nếp cùng hương trầm. Có nhiều gia đình làm đơn giản hơn là mâm xôi và gà luộc cùng những chén rượu để tiễn năm cũ qua đi và đón năm mới với hi vọng về sự may mắn và sung túc.

Có cần lễ trong nhà?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, thông thường cúng Giao thừa người ta tiến hành cúng ngoài trời, cúng trước cửa nhà hoặc trước sân nhà. Ngoài việc sửa soạn mâm cơm cúng Giao thừa ngoài trời nhiều nhà còn sửa soạn mâm cơm cúng trong nhà để mời tổ tiên ông bà về cùng ăn Tết với gia đình. Tuy vậy cũng tùy từng điều kiện, từng nhà làm cỗ cúng Giao thừa.

Lễ vật cúng trong nhà cũng tương tự như làm cỗ cúng ngoài sân. Đối với cúng mặn: Ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét), các món ăn mặn tùy theo nhu cầu của gia đình. Cúng chay gồm hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, đồ uống và các món chay. Nhiều gia đình sắm cỗ rất linh đình. Tuy nhiên, các vị xuất gia cho rằng, lễ ngoài sân hay trong nhà không quan trọng, cái chính vẫn là lòng thành của mỗi gia đình vì trong nhà hay ngoài sân cũng chỉ là để chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Và lễ vật to nhỏ không quan trọng mà cái quan trọng nhất vẫn là sự thành kính.

Mọi người lưu ý cách đặt đồ cúng. Dù làm cỗ cúng mặn hay chay cũng nên để ở dưới cái bàn con bên dưới. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng. Cũng có thể đặt bánh chưng, xôi, chè trên bàn thờ chính.

Mâm ngũ quả dành cúng gia tiên nên chọn các loại hoa quả thông dụng, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được. Không nên bày hoa quả quá xanh, hoa quả giả dùng cúng gia tiên. Đĩa quả không nên đặt trước chính giữa bát hương vì chắn mất trục khí chính mà nên để ở hai bên để bát hương thoáng. Mâm ngũ quả người miền Bắc và miền Trung thường có chuối, bưởi, hồng, đào, quýt hoặc chuối, ớt, bưởi, quất, lê còn người miền Nam thường gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, với ngụ ý “cầu vừa đủ xài sung”.

- Advertisement -

Hoa bày trên bàn thờ cũng vậy, cần phải hoa tươi chứ không dùng hoa giả, hoa nhựa vì theo quan niệm đó là sự giả dối. Sự kết hợp các loại hoa sẽ làm mất sự thanh thoát, thẩm mỹ. Mọi người cũng không nên cắm “cành vàng lá ngọc” lên bàn thờ vì có chứa nhiều trường khí âm bất lợi.

Mọi người lưu ý cách đặt đồ cúng. Dù làm cỗ cúng mặn hay chay cũng nên để ở dưới cái bàn con bên dưới. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng. Cũng có thể đặt bánh chưng, xôi, chè trên bàn thờ chính. 

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

Leave a Reply

KẾT NỐI

36,378Thành viênThích
1,160Người theo dõiTheo dõi
28Người theo dõiTheo dõi
- Advertisement -

MỚI NHẤT

XEM NHIỀU

XU HƯỚNG